Ở trong Tiếng Việt, đại từ nhân xưng như bạn, em, bác, con, cháu đều là phi giới tính. Nhưng, với anh, chị, chú, cô, ông, bà, thì lại khác. Chúng đều mang giới tính. Vì thế, trong cộng đồng LGBT+ của người Việt hải ngoại, họ đã nghĩ ra từ ‘chanh’ — một sự kết hợp giữa chị và anh.
Trong xã hội, nhiều người không cảm thấy mình là nam, hay là nữ. Họ không đồng nhất với chuẩn mực xã hội của nam hay nữ, họ đơn giản từ chối nhị phân nam-nữ xã hội đặt ra. Đó là non-binary, hay trong tiếng Việt là phi nhị giới. Họ có thể nhìn nhận bản thân là có vô số giới tính, không hề có giới, luân chuyển giữa các giới hoặc một giới tính thứ ba, như Two-Spirit của thổ dân Mỹ, Hijra của người Ấn Độ, v.v. (đọc thêm tại đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BB%9Bi_t%C3%ADnh_th%E1%BB%A9_ba)
Có thể concept này nghe hơi xa lạ, nhưng trong thực tế, nó khá là gần với văn hoá Việt Nam. Trong văn hoá Việt Nam trước thời kì Bắc thuộc, các nhà sử học đã ghi lại, người Việt Cổ không có một chế độ mẫu hệ hay phụ hệ rõ rệt, chưa có những định hình của giới tính như ngày nay. Phải đến thời Bắc thuộc, Nho giáo tràn vào Việt Nam, lập nên một xã hội phụ hệ của Việt Nam. Kể cả vậy, sau thời Bắc thuộc, năm 1499, Đại Việt sử kí Toàn thư ghi lại trường hợp của An Vương Lê Tuân, con trưởng vua Lê Hiến Tông, là người thích mặc quần áo của phụ nữ, không đi theo chuẩn mực xã hội thời bấy giờ.
Tại sao lại có từ chanh? Đơn giản vì, họ cũng muốn tìm chỗ đứng của mình trong văn hoá và xã hội Việt Nam, và khẳng định rằng, “Mình cũng là người con đất Việt”. Chắc hẳn, là người Việt Nam, ai cũng biết câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ. Người Việt đều coi nhau là một đại gia đình, là đồng bào, sinh ra từ một bọc trăm trứng. Văn hoá Việt Nam coi rằng, ai trong dân tộc Việt Nam, sống trên mảnh đất Việt Nam, có cội nguồn ở đất nước Việt Nam, là gia đình. Những đại từ nhân xưng như Chị, anh, em, chú, cô, bác, ông, bà, đều phản ánh văn hoá người Việt Nam coi nhau là gia đình.
Và với những người phi nhị giới, vì họ không đồng nhất với chuẩn mực của xã hội là giới tính, họ đã nghĩ ra từ chanh. Chanh để mang nghĩa: “Dù mình là phi nhị giới, không phải đàn ông, mà cũng chẳng phải phụ nữ, mình vẫn là con người Việt Nam, cũng sinh ra từ bọc trứng, là đồng bào, là người con đất Việt.”
Nhưng, có một số người cảm thấy chanh cũng chưa hợp với họ lắm, bởi lẽ, chanh là sự kết hợp của anh và chị — là hai chuẩn mực xã hội kết hợp lại với nhau. Vì đó, họ đã nghĩ ra, ‘cam’ và ‘quýt’. Cam, chanh, quýt đều thuộc cùng một chi, như cùng một nhà, nên họ gọi mình là cam và quýt như một đại từ nhân xưng, bắt tai, mà cũng gần gũi.
Đến năm 2012, vấn đề về quyền LGBT+ được đưa lên tại Việt Nam qua các tổ chức phi chính phủ. Từ đó, họ đã giới thiệu một số ngôn ngữ về LGBT+, và sau này đã được phát triển thêm. Tuy nhiên, một số điều cần biết là, hầu hết các cụm từ và thuật ngữ về LGBT bản địa cổ xưa đã bị mất đi, và đây chỉ là dịch từ tiếng Anh và các ngôn ngữ khác cho hợp xã hội Việt Nam hiện đại.
Một số thuật ngữ khác bạn cần biết
- Xu hướng tính dục: Tình cảm với người khác
- Bản dạng giới: Nhận thức về giới thích của bản thân họ
- Phi nhị giới: Những giới tính nằm ngoài hệ nhị phân giới từ nam đến nữ
- Vô tính: Người không bị hấp dẫn về tính dục bởi người khác
- Dị tính luyến ái: Tình yêu giữa người khác giới
- Toan tính luyến ái: Tình yêu với đa giới
- Đồng tính luyến ái: Tình yêu giữa người đồng giới
- Chuyển giới: Là những người không cảm thấy mình thuộc về giới tính mình sinh ra trong
Những cụm từ không nên dùng để nói về những người LGBT:
- Bê đê: là từ Việt hoá của ‘pédéraste’, trong tiếng Pháp nghĩa kẻ loạn dâm với trẻ em nam, mang nghĩa kì thị, sỉ nhục
- Bóng: từ mang nghĩa kì thị người đồng tính nam, bắt nguồn từ truyền thống Lên đồng.
- Ô môi: từ mang nghĩa kì thị người đồng tính nữ
Vì sao nên tìm hiểu về những cụm từ này? LGBT+ cũng là con người, và đây là những từ giúp họ tìm thân phận của mình, trước đó chưa có trong Tiếng Việt. Vì vậy, bạn hãy học hỏi, cởi mở hơn, và hãy tôn trọng họ. Họ cũng là con người, có cảm xúc, có thân phận, là con người đất Việt.
Comments